Mặt bằng bán lẻ diễn biến trái chiều ở hai miền
13.07.2011 - 12:00
Mặt bằng bán lẻ tại TP HCM vắng khách trong khi tỷ lệ lấp đầy của Hà Nội rất cao. Diễn biến trái chiều giữa hai miền còn thể hiện rõ hơn ở mặt bằng giá cả, Hà Nội tăng, còn TP HCM sụt giảm.
Ghi nhận của VnExpress.net, tại tòa tháp Kumho (quận 1, TP HCM), khu vực dành cho thương mại vẫn còn nhiều gian hàng trống. Tương tự, tháp Bitexco chuẩn bị hoạt động khu vực thương mại nhưng khách thuê chưa nhiều.
Ngược lại, một số tòa nhà mới đi vào hoạt động ở khu vực Hà Nội có tỷ lệ lấp đầy khá cao như Pico Mall lên tới gần 90%, tòa nhà Oriental Tower lên tới 100%. Khu bán lẻ của dự án Keangnam cũng được chào thuê gần hết.
Theo công ty Knight Frank, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại Hà Nội từ 20 USD đến 120 USD mỗi m2 một tháng, trong khi giá thuê tại các sảnh bán lẻ thường cao hơn, lên tới 40-185 USD. Đáng lưu ý là mặt bằng bán lẻ cho thuê dài hạn đang trở thành một kênh đầu tư mới. Cụ thể, Trung tâm thương mại Hàng Da, Trung tâm thương mại Chợ Mơ và dự án Keangnam Landmark Tower đang chào thuê với giá 3.000-11.000 USD mỗi m2 trong thời hạn trên dưới 50 năm.
Theo nghiên cứu của CBRE, mức chào thuê trung bình trong khu trung tâm Hà Nội khoảng 62 USD, tăng 7,7% so với quý trước chủ yếu do Vincom Center Hà Nội điều chỉnh lại hợp đồng thuê theo hướng nhích giá lên. Khu vực ngoài trung tâm, giá chào thuê khoảng 39 USD, tăng 15,8%.
Công ty Colliers International Việt Nam lý giải, giá thuê tại các khu ngoài trung tâm tăng vì Tòa nhà Pico Mall (quận Đống Đa) chào giá cao. Ngoài ra, việc đóng cửa tạm thời của Tràng Tiền Plaza đã gây áp lực tăng giá lên khu vực trung tâm.
Tình hình thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội tiếp tục khả quan trong quý 2 với nguồn cung hiện tại là 230.000 m2 bao gồm trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa, sảnh bán lẻ và các đại siêu thị. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện tại tăng 10,33% so với quý trước. Trong khi Tràng Tiền Plaza vẫn đang được cải tạo thì một số trung tâm thương mại mới như Pico Mall, Oriental Tower đã rậm rịch đi vào hoạt động. Ngoài ra, 5.000 m2 diện tích mở rộng của Parkson Viet Tower cũng khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ vẫn khả quan.
Dự kiến thị trường từ nay đến cuối năm sẽ “bùng nổ” nguồn cung kỷ lục từ khu chợ hàng Da Galleria (9.312 m2 diện tích sàn), Landmark 72 (thuộc Keangnam, 97.000 m2 diện tích sàn), Savico MegaMall (63.400 m2), và Vincom Center Long Biên (45.000 m2).
Theo Cục thống kê Hà Nội, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm tăng tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 23,3%. Mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội được các chuyên gia đánh giá vẫn còn cơ hội phát triển do đất đai ngày càng khan hiếm và giá bất động sản tại khu vực trung tâm vẫn còn quá cao.
Trái với Hà Nội, các đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản tại TP HCM cho biết, thị trường mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại đang tiếp đà giảm giá so với quý I và cùng kỳ năm ngoái. Khảo sát quý II của Công ty Colliers International Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại các con đường mua sắm nổi tiếng nhất Sài Gòn như Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn là 90 USD mỗi m2 một tháng. Các sảnh bán lẻ có giá thuê cao nhất 112,5 USD mỗi m2 một tháng còn trung tâm thương mại 102,5 USD. Các các trung khu mua sắm quy mô nhỏ hơn có giá chào thuê 52,5 USD mỗi m2 một tháng.
Từ năm 2012 trở đi, dự kiến thị trường TP HCM sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu m2 diện tích bán lẻ mới. Ảnh: Vũ Lê.
Theo CBRE, trong quý II, giá chào thuê trung tâm thương mại ở mức 33,13 USD mỗi m2 một tháng, giảm 5,4% so với quý I. Mặt bằng trống từ mức 8,4% trong quý I đã vọt lên mức 14,7% trong quý II, tăng 6,4%. Riêng đối với khu vực ngoài trung tâm, giá thuê mặt bằng bán lẻ sụt giảm mạnh hơn từ 11,5% đến 16%. Tuy nhiên, giá chào thuê trung tâm thương mại tổng hợp tăng 5,8% so với quý I, ở mức 109,35 USD mỗi m2 một tháng.
Báo cáo quý II của Công ty Savills Việt Nam công bố, công suất thuê mặt bằng trung tâm thương mại bán lẻ toàn thị trường đạt 85%, giảm 5% so với quý trước. Giá thuê trung bình của thị trường này cũng giảm 4% kể từ quý I. Ngược lại, các trung tâm bách hóa (trung tâm thương mại tổng hợp) có công suất thuê rất cao, đạt 100%.
Nguồn cung trung tâm thương mại vẫn tiếp tục tăng trong năm nay. Chỉ tính riêng trung tâm thương mại mới tại quận 7 là Crescent Mall dự kiến sẽ khai trương trong quý III đã có diện tích thực thuê 45.000 m2. Đó là chưa kể lượng mặt bằng thương mại ở tòa tháp The Manor II, The Flemington, The Vista dự kiến cũng ra mắt thị trường trong năm nay.
Thep các đơn vị tư vấn quản lý bất động sản, từ năm 2012 trở đi, dự kiến thị trường TP HCM sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu m2 diện tích bán lẻ mới. Nguồn cung tương lai tại quận 1, 2 và 7 chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung tương lai. Trong đó, quận 7 đứng đầu trong số các quận về nguồn cung bán lẻ tương lai. Điều này sẽ làm nổ ra sự cạnh tranh về các chương trình quảng cáo, tiếp thị, ưu đãi giá chào thuê giữa các trung tâm bán lẻ để hút khách thuê.
Theo vnexpress.net